BÁO CÁO TỔNG THUẬN HỘI THẢO “NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TIỀN TỆ VÀ DỊCH VỤ NGÂN HÀNG TRONG KỶ NGUYÊN CỦA CÔNG NGHỆ SỐ” ​

BÁO CÁO TỔNG THUẬN HỘI THẢO

“NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TIỀN TỆ VÀ DỊCH VỤ NGÂN HÀNG

TRONG KỶ NGUYÊN CỦA CÔNG NGHỆ SỐ”

 

  1. Dẫn nhập:

    Lịch sử tồn tại hàng trăm năm của nhân loại, đã chứng minh vai trò không thể thiếu của hoạt động ngân hàng đối với mọi nền kinh tế, dù ở các mức độ phát triển khác nhau.

    Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã đem tới những tác động đáng kể đối với hoạt động ngân hàng, làm thay đổi hành vi của người sử dụng dịch vụ ngân hàng cũng như cấu trúc hoạt động và vận hành của hệ thống ngân hàng. Nếu như sự xuất hiện của điện thoại di động vào những thập niên 90 mới chỉ đặt ra vấn đề về tầm quan trọng của công nghệ thông tin đối với hoạt động ngân hàng, quá trình phổ cập thiết bị di động khiến internet banking là một phần không thể thiếu của hoạt động ngân hàng thì những bước tiến mới của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ blockchain, đã xóa mờ ranh giới vật lý và địa lý của ngân hàng, làm suy yếu những mô hình ngân hàng với phương thức vận hành truyền thống. Sự ra đời của hàng nghìn công ty khởi nghiệp FinTech là những minh chứng điển hình cho nhu cầu nhận diện lại khái niệm và định nghĩa về ngân hàng, về hoạt động kinh doanh tiền tệ và cung ứng dịch vụ của ngân hàng trong kỷ nguyên số.

    Trong bối cảnh đó, khoa luật thương mại, Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “ Những vấn đề pháp lý về hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng trong kỷ nguyên của công nghệ số” nhằm khuyến khích các nghiên cứu về việc nhận diện lại khái niệm của hoạt động ngân hàng, nhìn nhận những đặc điểm mới của hoạt động kinh doanh tiền tệ và cung ứng dịch vụ ngân hàng trong thời đại của kỷ nguyên số và tìm ra những điều chỉnh pháp lý thích hợp để tạo điều kiện, hỗ trợ những dịch vụ mới xuất hiện, nhưng vẫn đảm bảo những nguyên tắc căn bản, cốt lõi của hoạt động ngân hàng.                                    

  2. Mục tiêu của Hội thảo

    Hội thảo nhằm hướng đến và đạt được các mục tiêu sau đây:

    - Một là, Hội thảo hướng đến việc phân tích, luận giải, đánh giá và bình luận những vấn đề pháp lý về hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng trong kỷ nguyên của công nghệ số.

    - Hai là, Hội thảo nhằm hướng đến việc tạo ra một diễn đàn để các giảng viên, khách mời, các nghiên cứu sinh và các học giả trình bày và trao đổi với nhau về các khía cạnh pháp lý của hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng trong kỷ nguyên của công nghệ số. Trên cơ sở đó, các luận cứ khoa học thu được từ quá trình thảo luận tại Hội thảo còn góp phần gợi mở các định hướng cho các nghiên cứu khoa học tiếp theo về vấn đề này trong thời gian tới.

    - Ba là, Hội thảo hướng đến việc thống nhất các quan điểm khoa học về các vấn đề mới liên quan đến hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng trong thời gian tới nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Khoa Luật thương mại.

    - Bốn là, Hội thảo còn hướng đến tìm kiếm giải pháp và đưa ra kiến nghị cho việc xây dựng các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng trong kỷ nguyên của công nghệ số.

  3. Nội dung chính của Hội thảo:

    Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 15 bài viết của các tác giả nghiên cứu nhiều khía cạnh, vấn đề pháp lý khác nhau liên quan đến hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng trong kỷ nguyên của công nghệ số. Nội dung chi tiết các bài viết ở được tóm tắt cơ bản như sau:

  • 3.1.Bài viết “Một vài khía cạnh pháp lý về nhận diện tổ chức tín dụng trong kỷ nguyên của công nghệ số” của Ths. Lê Thị Ngân Hà (Giảng viên Khoa Luật Thương mại – Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh) đánh giá sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, cộng với chưa có pháp luật điều chỉnh loại hình doanh nghiệp này dẫn đến sự nhầm lẫn, lúng túng trong việc nhận diện tổ chức tín dụng để từ đó xác định pháp luật áp dụng. Dựa trên quy định pháp luật ngân hàng hiện nay điều chỉnh tổ chức tín dụng, tác giả trình bày hoạt động của các doanh nghiệp Fintech ở 3 nội dung gồm: Khái niệm, loại hình và mạng lưới hoạt động, đồng thời so sánh với tổ chức tín dụng, để thấy được sự tương đồng giữa hai loại hình doanh nghiệp này, qua đó thấy được sự khó khăn trong việc nhận diện tổ chức tín dụng trong kỷ nguyên của công nghệ số.
  • 3.2.Bài viết “Xây dựng khung pháp lý toàn cầu cho tiền kỹ thuật sốcủa tác giả Mr. Danny Duy, Esq (Esq - Partner, Santa Sama Legal Law Firm, Attorneys of Immigration, Compliance & Ethic Code for Business) đề cập đến sự cần thiết phải ban hành khung pháp lý điều chỉnh về tiền kỹ thuật số. Theo đó, Nhà nước cần quy định tiền kỹ thuật số như một loại tài sản theo pháp luật dân sự, có chức năng được sử dụng để thanh toán; xây dựng cơ quan chuyên trách cấp phép thành lập và giám sát các hoạt động phát hành cho công chúng (ICO) đối với tiền kỹ thuật số; nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý về điều kiện, trình tự, thủ tục ICO đối với tiền kỹ thuật số; khung pháp lý về điều kiện, trình tự, thủ tục, quy chế hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo; các chế tài đối với các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu trốn thuế, rửa tiền hoặc vi phạm các quy định khác liên quan hoạt động giao dịch tiền kỹ thuật số và cộng đồng các quốc gia công nhận tiền kỹ thuật số cần xây dựng bộ quy tắc thống nhất việc áp dụng phương thức thanh toán bằng tiền kỹ thuật số mang tính toàn cầu để tránh các cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các quốc gia.
  • 3.3.Bài viết “Áp dụng công nghệ trong hoạt động cấp tín dụng nhìn từ góc độ pháp lý” của tác giả Ths Trần Văn Nhiên (Luật sư) nhận định khoa học công nghệ đang ngày càng ảnh hưởng sâu, rộng đến mọi lĩnh vực đời sống và không loại trừ những tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực ngân hàng nói chung và hoạt động cấp tín dụng nói riêng. Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành và những kiến thức thực tiễn, tác giả tập trung phân tích hai vấn đề: (i) giá trị pháp lý của hoạt động cấp tín dụng khi áp dụng công nghệ và (ii) phân tích một số thách thức và đưa ra một số giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý khi áp dụng công nghệ vào hoạt động cấp tín dụng.
  • 3.4.Bài viết “Khung pháp lý về giao dịch cho vay vốn tiền tệ qua các ứng dụng trực tuyến trong lĩnh vực công nghệ tài chính của TS.LS Lương Khải Ân (Trưởng Văn phòng Luật sư Lương Khải Ân) nghiên cứu các quy định cơ bản về giao dịch cho vay vốn tiền tệ (tiền mặt và bút tệ) theo pháp luật Việt Nam hiện hành; nhận diện những rủi ro do vi phạm pháp luật qua thực tiễn áp dụng các ứng dụng trực tuyến (APP) trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech); khuyến nghị những giải pháp sơ bộ nhằm thiết lập khung pháp lý cho các dịch vụ này hoạt động có hiệu quả trong điều kiện Việt Nam.
  • 3.5.Bài viết “Bàn về vấn đề bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hoạt động cho vay qua app của công ty tài chính của Ths Ngô Gia Hoàng (Giảng viên Khoa Luật Thương mại – Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh) đánh giá về bản chất, cho vay qua app của công ty tài chính là các sản phẩm dịch vụ cấp tính dụng được thực hiện thông qua phương thức điện tử, đáp ứng nhu cầu vốn chủ yếu cho mục đích tiêu dùng và thường được cung ứng bởi các công ty tài chính. Bên cạnh nhiều ưu điểm thì hình thức cho vay này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người đi vay. Trong khi đó, pháp luật ngân hàng tuy đã có nhiều quy định để bảo vệ quyền của bên vay nhưng chỉ phù hợp với các giao dịch có tính truyền thống mà chưa tính đến một số phương thức mới. Tác giả đã trình bày một số thực trạng của hoạt động cho vay qua app, từ đó chỉ ra những bất cập, thiếu sót trong quy định pháp luật hiện hành và đưa ra một số định hướng để hoàn thiện pháp luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người vay qua app.
  • 3.6.Bài viết “Những thách thức trong sử dụng tiền điện tử ở việt nam và giải pháp pháp lý đặt ra” của Ths Nguyễn Hương Ly (Giảng viên Khoa Luật Thương mại – Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh) nhận định với các công nghệ mang tính đột phá, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề pháp lý mới, trong đó có vấn đề tiền điện tử. Thông qua việc tìm hiểu chính sách, pháp luật Việt Nam hiện hành về tiền điện tử, bài viết khái quát một số vấn đề lý luận về tiền điện tử, phân tích một số rủi ro tín dụng có thể xảy ra trong quá trình sử dụng tiền điện tử; đưa ra các đánh giá về mức độ đáp ứng yêu cầu điều chỉnh của pháp luật Việt Nam về vấn đề này; từ đó, đề xuất một số kiến nghị mang tính định hướng xây dựng và hoàn thiện pháp luật cho phù hợp.
  • 3.7.Bài viết “Quy định của pháp luật về dịch vụ Mobile Money” của Ths. Nguyễn Trung Dương (Giảng viên Khoa Luật Thương mại – Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh) đánh giá với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng một nền kinh tế không dùng tiền mặt, pháp luật ngày càng cho phép nhiều hơn các chủ thể được quyền cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Bên cạnh các chủ thể truyền thống như các tổ chức tín dụng hay ví điện tử thì các nhà mạng viễn thông mới đây cũng được cho phép thí điểm cung ứng một dịch vụ mới – Mobile Money. Tác giả giới thiệu một số nội dung liên quan đến Mobile Money nói chung và quy định của Việt Nam hiện hành đang điều chỉnh về vấn đề này.
  • 3.8.Bài viết “Một số phân tích và kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam về áp dụng công nghệ nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (e-kyc) trong giao dịch mở tài khoản thanh toáncủa Ths Nguyễn Thị Thúy (Giảng viên Khoa Luật Thương mại – Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng hiều công nghệ tài chính ưu việt đã và đang được áp dụng vào các dịch vụ tài chính, ngân hàng ở Việt Nam với mục tiêu phát triển dịch vụ ngân hàng trong kỷ nguyên của cộng nghệ số, nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngân hàng trong nước với nước ngoài trong bối cảnh thực hiện các cam kết mở rộng hoạt động thanh toán điện tử, cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng xuyên biên giới. Tác giả tập trung trình bày về công nghệ nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC) trong giao dịch mở tài khoản thanh toán cho khách hàng cá nhân theo pháp luật Việt Nam thông qua phân tích các cơ sở pháp lý hiện hành cũng như những vấn đề phát sinh trong thực tiễn áp dụng, để từ đó đề xuất một số kiến nghị góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức e-KYC.
  • 3.9.Bài viết “Bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng số ở Việt Nam hiện nay” của TS. Nguyễn Xuân Bang( Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh: Hutech)) phân tích những vấn đề cơ bản về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng số ở Việt Nam; phân tích quy định của pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng số ở Việt Nam; từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng số ở Việt Nam trong thời gian tới.
  • 3.10.Bài viết “Quy định pháp luật về hạn chế rủi ro khi cung ứng dịch vụ ngân hàng trên internetcủa Ths. Danh Phạm Mỹ Duyên (Giảng viên Khoa Luật Thương mại - Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh) cho rằng nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán không bằng tiền mặt ngày càng lớn của cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế, các Ngân hàng thương mại đã không ngừng hoàn thiện, đầu tư, cải tiến các dịch vụ ngân hàng trên internet để đáp ứng mọi giao dịch của khách hàng. Tuy nhiên, thực trạng thời gian qua cho thấy, bên cạnh những ưu điểm vượt trội như tiện lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí thấp thì hình thức cung ứng dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tác giả phân tích quy định pháp luật hiện hành nhằm hạn chế rủi ro khi cung cấp dịch vụ ngân hàng qua internet.
  • 3.11.Bài viết “Quyền được đảm bảo bí mật thông tin của người gửi tiền trong các dịch vụ ngân hàng sốcủa Ths. Nguyễn Thị Thương (Giảng viên Khoa Luật Thương mại - Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh) nhận định, với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng những năm gần đây đã có những sự thay đổi căn bản trong nội dung, cách thức giao dịch. Ngoài các tác động tích cực không thể phủ nhận, việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số trong dịch vụ ngân hàng cũng ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, đặc biệt ở khía cạnh đảm bảo bí mật thông tin. Tác giả phân tích dưới góc độ pháp lý các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền được đảm bảo bí mật thông tin của người gửi tiền trong các dịch vụ ngân hàng số và trách nhiệm của tổ chức tín dụng đối với khách hàng khi việc bảo mật thông tin khách hàng không được đảm bảo dựa trên ba trường hợp: (1) Trường hợp thông tin khách hàng bị tổ chức tín dụng tiết lộ trái pháp luật; (2) Trường hợp thông tin khách hàng bị nhân viên của tổ chức tín dụng tiết lộ trái pháp luật và (3) Trường hợp thông tin khách hàng bị tiết bộ vì nguyên nhân khách quan. Nhìn chung, ở tất cả các trường hợp thông tin bị tiết lộ trái pháp luật dẫn đến thiệt hại, khách hàng đều có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng bồi thường. Tuy nhiên, hiện nay việc khách hàng yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng vẫn còn chưa rõ ràng và khác nhau giữa từng loại hình tiền gửi. Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng trong trường hợp thông tin khách hàng bị tiết lộ vì lý do khách quan. Trên cơ sở nghiên cứu và đánh giá các quy định của pháp luật, tác giả đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về đảm bảo bảo bí mật thông tin của người gửi tiền trong các dịch vụ ngân hàng số.
  • 3.12.Bài viết “Xác định trách nhiệm của ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ di động trong việc bảo vệ thông tin khách hàngcủa Ths. Trần Linh Huân (Giảng viên khoa Luật Thương mại – Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh) và Nguyễn Mậu Thương (Công ty Luật TNHH Hoàng Thu) đã đánh giá, ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của ngân hàng ngày càng trở nên phổ biến bởi những tiện ích mang lại. Tuy nhiên, đi kèm với đó là vấn đề bảo vệ thông tin khách hàng trước các nguy cơ bị xâm hại là một thách thức không hề đơn giản, đặc biệt là trong vấn đề xác định trách nhiệm của các ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ di dộng trong việc bảo vệ thông tin khách hàng. Xuất phát từ đó, bài viết tập trung phân tích, đánh giá một số vấn đề sơ lược về khung pháp lý chung điều chỉnh hoạt động bảo vệ thông tin khách hàng, mối quan hệ giữa ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ di động trong công nghệ tài chính. Qua đó làm rõ trách nhiệm bảo vệ thông tin khách hàng của ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ di động trong công nghệ tài chính.
  • 3.13.Bài viết “Pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng trong các dịch vụ ngân hàng số” của Ths. Nguyễn Thị Hoài Thu (Giảng viên khoa Luật Thương mại – Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của Internet và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nhanh chóng làm thay đổi hành vi lẫn thói quen tiêu dùng của khách hàng, ngay cả trong lĩnh vực tài chính, tạo tiền đề rộng mở cho sự phát triển của các ngân hàng số tại Việt Nam. Sự xuất hiện của các ngân hàng số (NHS) là xu hướng tất yếu, chắc hẳn mang lại nhiều tiện ích cho cả hệ thống ngân hàng cũng như người sử dụng. Thay vì phải xếp hàng chờ tại các phòng giao dịch, NHS mang đến cho khách hàng tương lai về việc có thể thực hiện được hầu hết các giao dịch ngân hàng trên không gian số với chỉ một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh. Có thể nói, tối ưu hóa thời gian và chi phí của các bên khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng là một trong những ưu điểm nổi trội nhất của NHS so với các ngân hàng truyền thống. Dù vậy, việc sử dụng NHS cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề, đặc biệt phải kể đến vấn đề về bảo mật thông tin khách hàng. Bảo mật thông tin của người tiêu dùng nói chung là một quyền luật định, thông tin của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ tài chính lại càng nhạy cảm và cần được bảo mật. NHS hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số, vì vậy, khi sử dụng các dịch vụ tài chính tại ngân hàng này, thông tin khách hàng càng dễ bị tiếp cận, đánh cắp, trục lợi. Vì vậy, qua bài viết, tác giả đã phân tích một số nội dung liên quan đến các quy định pháp luật hiện hành về bảo mật thông tin khách hàng khi sử dụng các dịch vụ NHS.
  • 3.14.Bài viết “Hoàn thiện một số quy định pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng của ngân hàng thương mại trong kỷ nguyên công nghệ sốcủa Ths. Nguyễn Thị Bích Mai (Giảng viên khoa Luật Thương mại – Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh)đã phân tích nội dung quy định của pháp luật hiện hành về bảo mật thông tin khách hàng của Ngân hàng thương mại trong kỷ nguyên công nghệ số, phân tích những hạn chế và kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật.
  • 3.15.Bài viết “Quy định về phòng, chống rửa tiền trong hoạt động ngân hàng ở kỷ nguyên công nghệ số của TS. Phan Phương Nam (Phó Trưởng khoa Luật Thương Mại – Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh) nhận định rửa tiền là hoạt động ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế và xã hội. Vì vậy, pháp luật đã có các quy định nhằm hạn chế, chống các hoạt động rửa tiền. Trong đó, các quy định về hoạt động ngân hàng là một trong các công cụ hữu hiệu để thực hiện mục đích này. Tác giả đề cập đến các nội dung pháp luật điều chỉnh về phòng, chống rửa tiền trong hoạt động ngân hàng ở thời kỳ công nghệ số nhằm chỉ ra được những ưu điểm cũng như nhược điểm, bất cập và kiến nghị hoàn thiện các quy định trong nội dung này nhằm góp phần hạn chế có hiệu quả hoạt động rửa tiền, giảm thiểu những tiêu cực của nó đến nền kinh tế.
    1. Nội dung thảo luận tại Hội thảo:
  • 4.1.Vấn đề thứ nhất: thảo luận về giá trị pháp lý và giá trị chứng cứ của chữ ký số trong giao dịch điện tử.

    PGS.TS. Phan Huy Hồng phát biểu ý kiến cho rằng: Về vai trò của chữ ký điện tử là để xác nhận nội dung người thực hiện giao dịch đã chấp nhận trước đó. Do vậy, không cần phải có hình thức xác định cụ thể kể cả trong trường hợp thông điệp dữ liệu, mà có thể bằng nhiều cách thức khác nhau như địa chỉ mail, thông điệp dữ liệu. Việc ngân hàng mở tài khoản cũng hoàn toàn không cần phải có chữ ký điện tử. Tuy nhiên khi có tranh chấp thì cần chứng thực, giám định chữ ký điện tử. Vấn đề này pháp luật thương mại điện tử cũng đã có quy định, do vậy không cần thiết phải có quy định riêng về vấn đề này trong pháp luật ngân hàng.

    Đồng tình, với ý kiến của PGS.TS. Phan Huy Hồng, TS. Trần Hoàng Nga bổ sung thêm, theo Luật giao dịch điện tử, chữ ký điện tử do các bên tự thỏa thuận với nhau và thỏa thuận có chứng thực hay không. Nếu thỏa thuận chứng thực thì sẽ lựa chọn tổ chức chứng thực chữ ký điện tử để chứng thực.

    Tiếp cận từ thực tiễn quản lý hoạt động ngân hàng, Bà Văn Thành Khánh Linh - Giám đốc Khối Quản lý rủi ro Ngân hàng Bản Việt, cho rằng, về vấn đề thử nghiệm nhận diện khách hàng khi thực hiện mở tài khoản thanh toán online tại ngân hàng Bản Việt. Tại thời điểm thử nghiệm, pháp luật ngân hàng chưa có quy định cụ thể. Trong khi đó, áp dụng theo pháp luật về giao dịch điện tử, các cách thức có thể xác thực giữa ngân hàng và khách hàng gồm: user, mật khẩu và mã OTP. Tất cả những thông tin này có thể coi là chữ ký điện tử của khách hàng. Mặt khác, trong quá trình mở tài khoản thanh toán, ngân hàng có thể nhận diện khách hàng thông qua sinh trắc học, tức khách hàng phải chụp ảnh khuôn mặt, cộng với chứng minh nhân dân. Nếu hai thông tin này khớp nhau và khớp với các thông tin khác theo dữ liệu của ngân hàng. Lúc này ngân hàng có thể yêu cầu khách hàng cung cấp một vài thông tin khác theo biểu mẫu. Sau đó, ngân hàng sẽ cung cấp cho khách hàng user và mật khẩu để đăng nhập tài khoản.

    Đồng tình với cách thực tế này, ông Hồ Vinh Long - Giám đốc pháp chế Ngân Hàng HSBC Việt Nam nêu ý kiến: thực tế trong quá trình thực hiện hoạt động ngân hàng, chữ ký điện tử không phải là phương thức xác thực duy nhất, mà còn nhiều phương thức xác thực khác. Ví dụ nhưng để có được một khoản vay, người đi vay phải thực hiện các thủ tục như: đề nghị vay vốn, chứng minh mục đích vay vốn, giải trình sử dụng vốn…Ngân hàng sẽ giải ngân vốn trực tiếp cho bên thụ hưởng để kiểm soát được mục đích sử dụng vốn. Do đó, tất cả những thông tin này đều có thể dùng để xác thực khách hàng, chứng minh khách hàng đã đồng ý và thực hiện các giao dịch.

    Như vậy, đa số các ý kiến đều nhận định, pháp luật ngân hàng không quy định cần thiết phải có chữ ký điện tử để xác thực khách hàng mà vấn đề này các ngân hàng sẽ chủ động thực hiện tùy theo điều kiện khả năng của mình. Tuy nhiên về nguyên tắc cơ bản, chữ ký điện tử sẽ gồm hai khóa: khóa bí mật và công khai để xác thực người đó đã thực hiện giao dịch điện tử. Khóa công khai như: user, tên, tuổi, địa chỉ. Khóa bí mật như: Dấu vân tay, ID face, mã OTP, mật khẩu.

  • 4.2.Vấn đề thứ hai: trách nhiệm của ngân hàng khi quyền lợi của khách hàng bị xâm phạm thông qua các giao dịch bằng công nghệ số:

    Ông Hồ Vinh Long - Giám đốc pháp chế Ngân Hàng HSBC Việt Nam nhận định: ngân hàng trong quá trình hoạt động đối mặt với các thủ đoạn lừa đảo khá nhiều không chỉ trong việc mở tài khoản mà còn hoạt động cho vay…Trong tình huống này, phải xem xét, ngân hàng có hợp tác, thông đồng với đối tượng để lừa đảo khách hàng thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm pháp lý. Hay ngân hàng cũng là nạn nhân của lừa đảo. Mặt khác, cần xem lỗi của nhân viên giao dịch là cố ý hay vô ý để xác định trách nhiệm. Bởi nếu ngân hàng không quy định rõ trong quy trình xác thực mà dẫn đến mất tiền thì ngân hàng chịu trách nhiệm, nếu ngân hàng đã quy định rõ mà nhân viên không làm đúng thì nhân viên phải chịu trách nhiệm.

  • 4.3.Vấn đề thứ ba: xác định tư cách và khung pháp lý cho hoạt đông của các doanh nghiệp Fintech

    TS.LS Lương Khải Ân, Trưởng Văn Phòng Luật sư Trương Khải Ân nhận định: Nhà nước cần phải có quy định pháp luật điều chỉnh phù hợp với doanh nghiệp Fintech như xác định tư cách chủ thể, mô hình hoạt động của Fintech cần phải có bài nghiên cứu riêng chuyên sâu hơn để làm rõ.

    Làm rõ vấn đề hơn, TS Viên Thế Giang nêu ý kiến: Về hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng trong kỷ nguyên của công nghệ số tất nhiên khác với hoạt động ngân hàng truyền thống. Doanh nghiệp Fintech không được cung cấp dịch vụ ngân hàng. Về vấn đề phạm vi hoạt động ngân hàng và kinh doanh ngân hàng số, đó chính là sự tích hợp giữa nghiệp vụ ngân hàng truyền thống và nền tảng công nghệ. Theo đó, bản chất hoạt động này là dùng nền tảng công nghệ để kinh doanh ngân hàng, và hiện nay pháp luật chưa điều chỉnh.

  • 4.4.Vấn đề thứ tư: Về bảo mật thông tin khách hàng trong các giao dịch với ngân hàng bằng công nghệ số

    Ths Đỗ Hà Thuận An - Giám đốc Tuân thủ pháp luật - Phòng Tuân Thủ - Hội sở ngân hàng ACB. Cho rằng, về bảo mật thông tin khách hàng có các vấn đề sau:

    Thứ nhất, pháp luật hiện hành đã quy định rõ trách nhiệm của ngân hàng trong việc bảo mật thông tin khách hàng trong việc mở tài khoản thanh toán.

    Thứ hai, về việc để lộ thông tin của nhân viên thì ngân hàng đều phải chịu trách nhiệm.

    Thứ ba, cần xem việc tiết lộ là do đâu và cho bên nào, bởi theo pháp luật quy định, ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước như cơ quan công an, cơ quan thuế.

    Thứ tư, quy định pháp luật nội bộ của các ngân hàng quy định rất rõ chi tiết trách nhiệm bảo mật thông tin của nhân viên và áp dụng các hình thức xử lý.

  • 4.5.Vấn đề thứ năm: xây dựng cơ sở dữ liệu để chuyển đổi số trong giao dịch ngân hàng

    Ông Trần Văn Tuấn - Giám đốc Chi nhánh HDBank Bình Dương chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số của ngân hàng cho ý kiến: theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì có khoảng 94% ngân hàng thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên chi phí chuyển đổi là rất lớn nên chỉ những ngân hàng có quy mô lớn mới đầu tư. Hiện tại Ngân hàng HD Bank cũng đã thành lập trung tâm chuyển đổi số, trong đó thành lập công ty công nghệ. Tuy nhiên nhìn chung, mức độ và phạm vi chuyển đổi số của các ngân hàng còn chưa đồng đều và chưa cao. Do đó kiến nghị nếu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng nền tảng chung để kết nối và chia sẻ trong hệ thống ngân hàng. Từ đó mỗi ngân hàng sẽ tùy vào khả năng, năng lực lợi thế cạnh tranh mà xây dựng thêm cho phù hợp, nếu để hiện tại mỗi ngân hàng xây dựng thế độc quyền, bảo mật sau này rất khó để triển khai rộng khắp.

    Bổ sung thêm ý kiến, Ông Đạt Khánh Toàn - Trưởng Ban Pháp chế và Tuân thủ Ngân hàng TMCP An Bình cho rằng, vấn đề chuyển đổi số hiện nay rất được các ngân hàng quan tâm và tùy theo năng lực các NH đã có dự án về chuyển đổi số. Để chuyển đổi số cần ba trụ cột cơ bản:

    Thứ nhất, hành lang pháp lý ở đây gồm quy định pháp luật của Nhà nước (cụ thể là Luật các tổ chức tín dụng quy định trách nhiệm của ngân hàng ban hành những quy định hướng dẫn nội bộ để thực hiện giao dịch) và quy định nnội bộ của ngân hàng.

    Thứ hai, ứng dụng và nền tảng để thực hiện giao dịch, tùy vào khả năng của ngân hàng cũng đã đầu tư thực hiện các ứng dụng như app trên diện thoại, máy tính để khách hàng thực hiện giao dịch.

    Thứ ba, dữ liệu dân cư, khách hàng. Bộ Công an có dữ liệu dân cư nhưng việc chia sẻ với ngân hàng rất nhạy cảm, do đó các ngân hàng hiện nay hợp tác chia sẻ với nhau về dữ liệu thông tin hoặc cũng có thể tìm đến bên thứ ba là các công ty để lấy thông tin khách hàng.

    1. Kết luận:

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Vân đưa ra một số kết luận: Theo nộ dung của 15 bài viết được lựa chọn để đăng ký yếu, 6 bài viết được chọn để báo cáo tại hội thảo và hơn 20 ý kiến của các khách mời, Hội thảo xoay quanh bốn nhóm nội dung chính:

  • Thứ nhất, tác động của công nghệ số đến hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động cho vay và dịch vụ thanh toán. Điều này đã dẫn đến cần phải nhận diện lại một số khái niệm như ngân hàng điện tử, tiền điện tử; xác định lại chủ thể tham gia thực hiện dịch vụ ngân hàng, phạm vi hoạt động, quy trình, phân định trách nhiệm của các chủ thể tham gia, quyền và nghĩa vụ…
  • Thứ hai, khung pháp luật điều chỉnh từng hoạt động ngân hàng chi tiết về cấp tín dụng, mở tài khoản, cung cấp các dịch vụ thanh toán.
  • Thứ ba, thống nhất nhu cầu hoàn thiện pháp luật điều chỉnh về hoạt động ngân hàng, bảo vệ quyền và lợi các bên, dung hòa lợi ích các bên và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
  • Thứ tư, vấn đề phòng chống rửa tiền dưới góc độ quản lý nhà nước, để nhận diện các rủi ro từ đó phòng ngừa và loại bỏ các hành vi phạm tội.

Như vậy, hội thảo đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đặt ra. Thành công lớn nhất của Hội thảo là đã tạo được môi trường học thuật để các giảng viên trẻ, các chuyên gia trao đổi, trình bày các nghiên cứu của mình.

Hội thảo kết thúc vào lúc 11 giờ 50 phút cùng ngày.