BÀI GIỚI THIỆU HỘI THẢO KHOA HỌC "GÓP Ý SỬA ĐỐI BỔ SUNG LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG"

BÀI GIỚI THIỆU HỘI THẢO KHOA HỌC

GÓP Ý SỬA ĐỐI BỔ SUNG LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

 

Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) số 47/2010/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 16/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 (Luật các TCTD 2010) và được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017 (Luật các TCTD sửa đổi năm 2017) (sau đây gọi chung là Luật các TCTD) quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể TCTD và việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng. Qua hơn 12 năm thực hiện, Luật các TCTD đã có những đóng góp quan trọng trong hoạt động ngân hàng: góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các TCTD, hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sự ổn định và an toàn của các tổ chức tín dụng, tạo lập một trường pháp lý minh bạch cho các hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện, Luật các tổ chức tín dụng đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp và tương thích với các điều kiện phát triển kinh tế xã hội, do đó không còn đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và xu thế phát triển của kinh tế nói chung và công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Điều này tạo ra những bất cập trong việc thực thi các quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, từ khi Luật các TCTD 2010 được ban hành đến nay, rất nhiều Luật có liên quan đã được ban hành mới, được thay thế hoặc được sửa đổi, bổ sung như: Luật Doanh nghiệp 2014, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014, Luật Chứng khoán… Những thay đổi này đã ảnh hưởng đến tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống các quy định pháp luật nói chung.

Luật các tổ chức tín dụng có tác động rất lớn không chỉ đối với hoạt động ngân hàng, hệ thống các tổ chức tín dụng mà còn đối với các ngành nghề, thành phần kinh tế, đời sống xã hội nói chung. Việc sửa đổi, bổ sung, khắc phục những nhược điểm, hoàn thiện hơn các quy định của Luật các TCTD là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Vì lẽ đó, Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi luôn dành được sự quan tâm rộng rãi của rất nhiều thành phần, tầng lớp trong xã hội. Trong thời gian vừa qua, các phiên bản của Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi đã được trình và có ý kiến từ báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế Quốc hội. Mặc dù vậy, còn tồn tại rất nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau về các nội dung của Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi như vấn đề liên quan đến quản trị, điều hành TCTD, vấn đề về bảo đảm an toàn hoạt động TCTD, về xét duyệt cấp tín dụng, về dịch vụ ngân quỹ của TCTD, về hoạt động của ngân hàng điện tử, ngân hàng số, về quyền nắm giữ bất động sản của TCTD, về cơ cấu lại TCTD, về xử lý nợ xấu...

Trong bối cảnh đó, khoa Luật Thương mại, Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Góp ý sửa đối bổ sung Luật các tổ chức tín dụng” nhằm khuyến khích các nghiên cứu để nhận diện, phân tích những bất cập của Luật các tổ chức tín dụng, trên cơ sở đó đề xuất những kiến nghị và giải pháp phù hợp, nhằm đóng góp ý kiến trong quá trình hoàn thiện Luật các TCTD sửa đổi.

Hội thảo, được hy vọng, là nơi quy tụ những ý kiến đóng góp, chia sẻ của các chuyên gia, các nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn tài chính, ngân hàng, cũng như của những người làm công tác xét xử, thi hành án, nhằm thu thập những ý kiến đa chiều, những góc nhìn sâu sắc về các nội dung của Luật các TCTD, với mục đích cuối cùng là hoàn thiện Luật các TCTD, đảm bảo vai trò và ý nghĩa của luật này trong đời sống.

Thông tin liên hệ:

Văn phòng khoa: Phòng A301, số 2 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, TP.HCM

Điện thoại: 028.39400989- Số máy: 169