GIỚI THIỆU KHOA LUẬT THƯƠNG MẠI – TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH
Lịch sử thành lập và phát triển
Ngày 31/01/1988, Phân Khoa Pháp Luật Kinh tế được thành lập và là một trong hai phân khoa đầu tiên của Phân hiệu Đại học Pháp lý TP. Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Tư pháp. Ngày 06/7/1993, Phân Khoa Pháp Luật kinh tế trực thuộc Phân hiệu Đại học Luật TP.HCM được thành lập. Khoa có bộ môn gồm: Luật Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng, Luật Đất đai - Môi trường, Luật Lao động, Luật Quốc tế.
Ngày 30/3/1996, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo ra Quyết định số 1234/GD&ĐT thành lập Trường Đại học Luật trực thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Khoa Pháp Luật Kinh tế được đổi tên thành Khoa Luật Thương mại, tách bộ môn Luật Quốc tế để thành lập Khoa Luật Quốc tế và Bộ môn Luật Lao động được chuyển sang Khoa Luật Dân sự.
Khoa Luật Thương mại là một trong những khoa có bề dày truyền thống và thành tích hàng đầu của Trường. Chuyên ngành mà Khoa đảm trách đào tạo được nhà trường xác định là một trong những chuyên ngành mũi nhọn nhằm khẳng định thương hiệu, phù hợp với đặc điểm của một cơ sở đào tạo luật đóng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Kể từ khi ra đời, Khoa Luật Thương mại luôn đứng đầu trong số các khoa của nhà trường về điểm chuẩn đầu vào, kết quả học tập của sinh viên nói chung cũng như chất lượng (học vị) của đội ngũ giảng viên.
Chức năng và nhiệm vụ
Khoa Luật Thương mại thực hiện hai chức năng cơ bản là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đội ngũ giảng viên của Khoa đảm nhận nhiều nhiệm vụ như: xây dựng chương trình và giảng dạy các môn học pháp luật về lĩnh vực kinh doanh, thương mại, pháp luật về tài chính - ngân hàng, pháp luật về đất đai, pháp luật về môi trường cho sinh viên của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh theo chương trình đào tạo cử nhân luật của Trường.
Khoa cũng xây dựng chương trình và tham gia công tác đào tạo sau đại học và nghiên cứu sinh chuyên ngành luật kinh tế theo chương trình, kế hoạch của Trường. Giảng viên của Khoa thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, thực tập cuối khoá, viết khoá luận tốt nghiêp cuối khoá; hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh thực hiện đề tài luận văn cao học, luận án tiến sỹ chuyên ngành pháp luật kinh tế.
Khoa Luật Thương mại có 03 bộ môn (Luật Thương mại, Luật Thuế - Tài chính - Ngân hàng, Luật Đất đai - Môi trường). Các môn học do Khoa phụ trách bao gồm: Pháp luật về chủ thể kinh doanh, Pháp luật thương mại hàng hóa và dịch vụ, Luật cạnh tranh, Luật đầu tư, Pháp luật xuất nhập khẩu, Pháp luật thương mại điện tử, Pháp luật giải quyết tranh chấp thương mại ngoài toà án; Luật thuế, Luật tài chính công, Luật ngân hàng, Pháp luật kinh doanh bảo hiểm, Pháp luật kinh doanh chứng khoán; Luật đất đai, Luật môi trường, Pháp luật kinh doanh bất động sản, Pháp luật về y tế và an toàn thực phẩm, cùng nhiều môn học trong chương trình sau đại học, nghiên cứu sinh. Hiện nay các bộ môn của Khoa đã xuất bản nhiều giáo trình, tập bài giảng và các tài liệu học tập khác.
Đội ngũ giảng viên
Đến đầu năm 2023, Khoa Luật Thương mại hiện có 49 giảng với đội ngũ giảng viên có học vị tiến sĩ luật nhiều nhất Trường. Khoa hiện có 15 tiến sĩ, 34 thạc sĩ (một số đang là nghiên cứu sinh). Nhiều giảng viên của Khoa đã nhận bằng tiến sĩ luật, thạc sĩ luật từ các cơ sở đào tạo ở nước ngoài như Đức, Nga, Australia, Nhật, Thụy Điển,… Giảng viên của Khoa đã tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, có nhiều bài viết đăng trên các tạp chí luật trong nước và nước ngoài, tham dự nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Nhiều giảng viên đã và đang tham gia họat động tư vấn pháp lụật và hành nghề luật. Các giảng viên của Khoa cũng đã có hàng trăm bài viết nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học ở Việt Nam, Đức, Nga, Australia, Nhật Bản, Anh, Hà Lan,…
Giảng viên của Khoa đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp Trường về lĩnh vực pháp luật kinh doanh, thương mại. Tính đến nay, các giảng viên của Khoa đã có nhiều Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ được nghiệm thu, có nhiều sinh viên của Khoa đạt giải cao trong hoạt động nghiên cứu khoa học các cấp.
Định hướng phát triển của Khoa
- Phấn đấu giữ vững truyền thống của Khoa trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học với vị thế của khoa chuyên ngành mũi nhọn.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên: duy trì và mở rộng các hoạt động chuyên môn của giảng viên. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ.
- Tiếp tục đổi mới nôi dung và phương pháp giảng dạy, tăng cường khả năng giảng day một số môn học cho lớp cử nhân luật chất lượng cao bằng tiếng Anh, trang bị cho người học kĩ năng hành nghề.
Khoa Luật Thương mại gồm có ba bộ môn:
Bộ môn Luật Thương mại:
Là bộ môn lớn của Khoa Luật thương mại và của trường Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Các học phần do bộ môn Luật Thương mại đảm trách bao gồm:
- Pháp luật về chủ thể kinh doanh
- Pháp luật thương mại hàng hóa và dịch vụ
- Luật cạnh tranh
- Luật đầu tư
- Pháp luật xuất nhập khẩu
- Pháp luật thương mại điện tử
- Pháp luật giải quyết tranh chấp thương mại ngoài toà án
- Kỹ năng hành nghề tư vấn pháp luật
- Công tác pháp chế trong doanh nghiệp
- Tort law (Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng)
- Law on Bussiness Organizations (Pháp luật về chủ thể kinh doanh)
- US and EU Competition Law
- Corporation Law (Luật Công ty)
- Law of Contract (Luật Hợp đồng)
Bộ môn Luật Thuế - Tài chính - Ngân hàng
Là một bộ môn chuyên ngành của Khoa Luật Thương mại, các học phần do bộ môn Luật tài chính ngân hàng đảm trách bao gồm:
- Luật thuế
- Luật tài chính công
- Luật ngân hàng
- Pháp luật kinh doanh bảo hiểm
- Pháp luật kinh doanh chứng khoán
Bộ môn Luật Đất đai - Môi trường
Là một bộ môn chuyên ngành của Khoa Luật Thương mại, các học phần do bộ môn Luật Đất đai - Môi trường đảm trách bao gồm:
- Luật đất đai
- Luật môi trường
- Pháp luật kinh doanh bất động sản
- Pháp luật về y tế và an toàn thực phẩm
Thông tin liên hệ:
Văn phòng khoa: Phòng A301, số 2 Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM
Điện thoại: 028.39400989- Số máy: 169