TỔNG THUẬT HỘI THẢO KHOA HỌC NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 2020

TỔNG THUẬT HỘI THẢO KHOA HỌC NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 2020

 

Ngày 17/11/2020, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật này sẽ hiệu lực thi hành vào ngày 01 tháng 01 năm 2022 (trừ khoản 3 Điều 29 sẽ hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2021). Với mục tiêu nhằm tạo ra diễn đàn để các giảng viên, khách mời, các nghiên cứu sinh và sinh viên trình bày và trao đổi với nhau về các khía cạnh pháp lý của Luật Bảo vệ môi trường 2020, đặc biệt là việc phân tích luận giải, đánh giá và bình luận về những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Trong đó có hướng đến việc thống nhất các quan điểm khoa học về những nội dung đổi mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học về Luật này trong thời gian tới, cũng như hướng đến tìm kiếm giải pháp và đưa ra kiến nghị cho việc xây dựng, thông qua nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 nhằm đảm bảo hiệu quả thực thi của Luật này. Trong bối cảnh đó, Khoa luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Những điểm mới cuả Luật Bảo vệ môi trường 2020” vào sáng thứ sáu, ngày 30 tháng 7 năm 2021, qua Phòng họp trực tuyến Zoom.

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo khách mời là các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực môi trường. Cụ thể, về phía khách mời có bà Nguyễn Thị Kim Mến - Phó Trưởng Phòng pháp chế, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Trưởng phòng Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Hồ Chí Minh; PGS. TS. Phạm Hữu Nghị - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nhà nước và Pháp luật, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật; PGS. TS. Vũ Thị Duyên Thủy - Phó trưởng Bộ môn Luật Môi Trường, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội; TS. GVC. Bùi Kim Hiếu - Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại ngữ Tin học TP. Hồ Chí Minh; TS. GVC. Nguyễn Ngọc Anh Đào - Phó trưởng Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Ngân Hàng TP. Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm - Phó Giám đốc Trường Đại học Lao động Xã hội (CS2) cùng các đại biểu đến từ rất nhiều cơ sở đào tạo Luật (Viện Nhà nước và Pháp luật, các Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Công Đoàn, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học QG TP. Hồ Chí Minh), Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, Đại học Văn Lang, Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế - Tài chính, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Đại học Lao động xã hội (cơ sở 2), Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Gia Định, Đại học Tài nguyên và Môi trường, Đại học Cần Thơ… và các đại biểu là những nhà quản lý (Hội đồng nhân dân Thành phố, Sở Tài Nguyên và Môi trường, các Phòng Nguyên và Môi trường) và thực tiễn (các công ty luật, công ty môi trường).

Về phía Khoa luật Thương mại, Trường Đại học Luật TPHCM có sự hiện diện của PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình – Trưởng Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Ban tổ chức hội thảo; TS. Phan Phương Nam - Phó Trưởng Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Thành viên ban tổ chức hội thảo; TS. Phạm Văn Võ – Phó Trưởng Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Thành viên ban tổ chức hội thảo; TS. Phan Thị Thành Dương – Trưởng Bộ môn Luật Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Thành viên ban tổ chức hội thảo; TS. Võ Trung Tín – Trưởng Bộ môn Luật Đất đai – Môi trường, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Thành viên ban tổ chức hội thảo; TS. Nguyễn Thị Thư – Phó Trưởng Bộ môn Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Thành viên ban tổ chức hội thảo; PGS. TS. Nguyễn Văn Vân, nguyên Trưởng Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; PGS, TS. Phan Huy Hồng, nguyên Phó Trưởng Khoa Luật Thương mại, nguyên Trưởng Bộ môn Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; và đại diện các giảng viên là lãnh đạo của các Khoa trong nhà trường, các giảng viên, các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM. Hội thảo cũng thu hút được sự quan tâm từ các cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin như Báo Tuổi trẻ, Tạp chí Người Đô thị.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình cho biết Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 17/11/2020 tại kỳ họp thứ 10 và sẽ hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2022. Đạo luật này đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sống con người. Do vậy, việc tạo diễn đàn cho hoạt động nghiên cứu, trao đổi, thảo luận một số quy định mới của Luật, góp phần nhận định rõ ràng hơn các quy định này, giúp hiểu đúng và vận dụng chính xác các quy định mới của Luật để từ đó góp phần đưa đạo luật vào thực tiễn cuộc sống là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết.

Hội thảo được chia thành 02 phiên với 06 tham luận được trình bày. Trong từng phiên, Hội thảo đã lắng nghe các tác giả trình bày nội dung chính của mỗi tham luận và tiến hành thảo luận về các vấn đề có liên quan đến mỗi tham luận, cũng như các nội dung khác trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Phiên thứ nhất của Hội thảo diễn ra dưới sự điều hành của Chủ tọa đoàn gồm: PGS.TS Hà Thị Thanh Bình, TS. Phạm Văn Võ và TS. Võ Trung Tín. Phiên thứ nhất, hội thảo tập trung vào nội dung chính là những vấn đề liên quan đến giấy phép môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường, quản lý chất thải.

Mở đầu phiên thứ nhất, TS. Võ Trung Tín trình bày tham luận “Giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”. Tác giả đã phân tích các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về giấy phép môi trường như đối tượng phải có giấy phép môi trường, thẩm quyền cấp giấy phép môi trường, nội dung giấy phép và thủ tục cấp phép… Tác giả đã khẳng định rằng đây là nội dung mới được bổ sung nhằm khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, thủ tục của nhiều công cụ quản lý mang tính cấp phép dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, gây khó khăn, phát sinh chi phí và thời gian của chủ đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, tác giả cũng đã đưa ra một số khuyến nghị như cần ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 dưới dạng Nghị định và có nội dung về Giấy phép môi trường; sửa đổi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo hướng bổ sung hành vi vi phạm về Giấy phép môi trường; sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan, bao gồm các điều khoản quy định về giấy phép xả nước thải vào nguồn nước Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi tại Luật Thủy lợi số 08/2017/QH-14 và các văn bản hướng dẫn thi hành của các luật này.

Tiếp theo, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan trình bày tham luận “Bồi thường thiệt hại về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”. Tác giả đã trình bày khái quát các vấn đề bồi thường thiệt hại về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đồng thời phân tích, làm rõ những điểm mới nổi bật của Luật Bảo vệ môi trường 2020 về chế định bồi thường thiệt hại về môi trường. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thống nhất cơ chế chung để giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại cho cả hai loại thiệt hại về môi trường; quy định thương lượng trở thành thủ tục tiền tố tụng trong giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường; tái xác lập thẩm quyền của trọng tài trong giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại đối với cả hai loại thiệt hại về môi trường; hoán đổi nghĩa vụ chứng minh trong giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường; tổ chức, cá nhân bị thiệt hại được phép uỷ quyền cho cơ quan nhà nước xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại; xác định lại thời điểm tính thời hiệu khởi kiện về môi trường. Bên cạnh đó, theo tác giả để chế định bồi thường thiệt hại về môi trường phát huy được tác dụng và tính hiệu quả trong quá trình thực thi thì đòi hỏi cần phải chỉnh sửa, bổ sung một số quy định pháp luật có liên quan như: (i) Ghi nhận việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vào Bộ luật tố tụng dân sự và Luật Trọng tài thương mại; bổ sung cụm từ “suy thoái môi trường” vào Điều 602 Bộ luật Dân sự 2015; (ii) điều chỉnh khoản 2 Điều 133, khoản 3 Điều 162 Luật Bảo vệ môi trường 2020; (iii) ban hành quy định hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện việc thương lượng; (iv) bổ sung quy định về địa vị pháp lý cho cơ quan nhà nước được uỷ quyền tham gia tố tụng để thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người dân.

Tiếp đến, ThS. Trần Linh Huân trình bày tham luận “Một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 trong quy định về quản lý chất thải”. Tác giả đã tập trung phân tích, đánh giá, trình bày một số điểm mới trong quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 về quản lý chất thải và các chất gây ô nhiễm. Cụ thể, một là, về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân thành 03 loại cơ bản; thay đổi căn cứ xác định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng cách căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính chi phí phải trả cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hai là, về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định rõ việc phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường thành 03 nhóm; quy định rõ trách nhiệm của chủ nguồn thải trong việc phân loại, lưu trữ, bảo quản, xử lý đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường cũng như quy định rõ các yêu cầu đặt ra trong hoạt động vận chuyển; xác định rõ các đối tượng mà chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường được phép chuyển giao trách nhiệm xử lý đối với loại chất thải này. Ba là, về quản lý chất thải nguy hại, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bỏ đi quy định cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại mà thay bằng hình thức khai báo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường; bổ sung thêm chủ nguồn thải chất thải nguy hại cũng được phép vận chuyển chất thải nguy hại; quy định rõ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không hạn chế việc thu gom chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh khác về xử lý tại cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn. Bốn là, về quản lý nước thải, ngoài những yêu cầu đặt ra cho hệ thống xử lý nước cần thải phải bảo đảm như Luật Bảo vệ môi trường 2014 thì Luật Bảo vệ môi trường 2020 còn đặt thêm yêu cầu đòi hỏi các chủ thể có hệ thống xử lý nước thải còn phải có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với hệ thống này. Việc quy định phải có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sợ cố môi trường đối với hệ thống xử lý nước thải là rất quan trọng và cần thiết bởi điều này sẽ giúp hạn chế được những rủi ro và thiệt hại có thể xảy ra khi hệ thống xử lý nước thải có vấn đề về sự cố. Năm là, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có bổ sung thêm một loại chất ô nhiễm mới phải thực hiện việc quản lý và kiểm soát đó là “mùi khó chịu”. Tuy nhiên, để quy định này thực sự phát huy được tính khả thi và hiệu quả trên thực tế thì đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện chuyên sâu hơn nữa về các vấn đề pháp lý điều chỉnh về việc quản lý, kiểm soát đối với loại “mùi khó chịu” này.

Sau khi nghe xong 3 tham luận ở phiên thứ nhất, hội thảo tiến hành thảo luận với nhiều vấn đề có liên quan đến nội dung của các tham luận và chủ đề hội thảo.

Mở đầu phần thảo luận của phiên thứ nhất, TS. Phạm Văn Võ đặt ra các vấn đề như: Một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 là người bị thiệt hại có thể ủy quyền cho cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường thiệt hại và trong phạm vi ủy quyền có thể bao gồm quyền khởi kiện, như vậy trường hợp này có thuộc trường hợp khởi kiện tập thể hay không, nếu là khởi kiện tập thể thì thuộc trường hợp nào và theo mô hình nào. Bên cạnh đó, người bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe là rất đông, nếu ủy quyền cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thì hình thức ủy quyền là gì? Làm sao để có đầy đủ được giấy ủy quyền từ tất cả những người bị thiệt hại vì sẽ có người ủy quyền có người không? Trong trường hợp những người bị thiệt hại không yêu cầu bồi thường, không thực hiện việc ủy quyền, sau này nếu được bên gây thiệt hại bồi thường thì những chủ thể không thực hiện việc ủy quyền này có được chia tiền bồi thường hay không? cần quy định về hình thức, thủ tục ủy quyền như thế nào? Trên thực tế, khi có những vấn đề sự cố môi trường xảy ra và gây thiệt hại trên diện rộng và phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khi bồi thường thiệt hại sẽ xảy ra trường hợp có những chủ thể không bị ảnh hưởng nhưng vẫn nhận được tiền bồi thường, để khắc phục vấn đề này giải pháp đặt ra là gì. Về phương thức giải quyết tranh chấp môi trường, nếu muốn đưa tranh chấp môi trường ra trọng tài thương mại để yêu cầu trọng tài thương mại giải quyết thì phải có thỏa thuận trọng tài. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi thiệt hại xảy ra, số lượng người bị thiệt hại nhiều vậy làm sao để xác lập được thỏa thuận trọng tài vì sẽ có người đồng ý người không. Như vậy, trong trường hợp này muốn trọng tài có thẩm quyền giải quyết thì phải quy định như thế nào. Về hoán chuyển nghĩa vụ chứng minh, theo quy định tại Đ133 Luật Bảo vệ môi trường 2020, người bị thiệt hại không phải chứng minh mối quan hệ nhân quả, người gây thiệt hại mới là chủ thể phải có trách nhiệm chứng minh như vậy quy định này có thể xâm hại đến quyền lợi của bị đơn là bên gây thiệt hại hay không. Về vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt, TS. Phạm Văn Võ đặt ra vấn đề việc xác định chi phí thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải được xác định theo khối lượng, thể tích chất thải, điều này dựa theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, như vậy làm sao chúng ta có thể xác định được khối lượng, thể tích chất thải một cách phù hợp, tiện lợi để làm căn cứ tính chi phí được chính xác? Cần phải có những giải pháp gì để tổ chức thực hiện hiệu quả vấn đề này?

Tiếp đến PGS.TS. Nguyễn Văn Vân đặt ra vấn đề trong lĩnh vực pháp luật môi trường có nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp đã trả tiền cho Nhà nước để được phát thải và trong quá trình đi vào hoạt động doanh nghiệp có phát thải gây ảnh hưởng đến quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân. Trong trường hợp này người dân có được quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại hay không hay là phải yêu cầu Nhà nước san sẻ lại số tiền đã thu được thông qua mua bán chỉ tiêu phát thải?

Cùng với đó, TS.GVC. Bùi Kim Hiếu trao đổi nên chăng Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cần thay đổi về cơ chế khởi kiện tập thể. Việc đặt ra vấn đề cơ quan nhà nước khi được ủy quyền trong vấn đề giải quyết tranh chấp, khởi kiện yêu bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường không được từ chối nhận ủy quyền liệu có phù hợp và đúng với bản chất của quan hệ pháp luật dân sự hay không vì nếu là dân sự thì cơ quan nhà nước có quyền từ chối. Nên chăng cần quy định theo hướng đó là trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện. Về xác định thiệt hại ô nhiễm môi trường, có những thiệt hại không phải lúc nào cũng xác định được, nếu phải chứng minh xác định thiệt hại sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Về cơ chế khởi kiện tập thể thì liên quan đến nhiều yếu tố, cơ chế này hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã áp dụng, ví dụ như Nga, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu Việt Nam thừa nhận cho phép khởi kiện tập thể thì chi phí khởi kiện sẽ lấy từ nguồn nào, ai chịu chi phí…

Phản hồi các vấn đề đặt ra, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan cho rằng về nguyên tắc, khi cá nhân, tổ chức bị thiệt hại thì phải đứng ra yêu cầu bồi thường thiệt hại, đây là quyền dân sự của họ, quyền khởi kiện cũng là một quyền dân sự. Do đó, nếu để cơ quan nhà nước đại diện hoặc đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước thì có thể làm mất đi quyền khởi kiện của người bị thiệt hại. Về tiền theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền thì đây là một nghĩa vụ tài chính phải thực hiện đối với hành vi hợp pháp, còn bồi thường thiệt hại là một khoảng tiền phải trả khi có hành vi vi phạm pháp luật nên hai vấn đề này khác nhau. Như vậy, trong trường hợp nếu doanh nghiệp đã thực hiện việc trả tiền theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền cho hành vi xả thải nhưng nếu việc xả thải gây thiệt hại thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu có hành vi vi phạm.

Trên cơ sở phản hồi của ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan, TS. Phạm Văn Võ tiếp tục đặt ra vấn đề trong trường hợp doanh nghiệp đã có giấy phép môi trường và được phép xả thải, việc xả thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhưng vẫn gây thiệt hại, như vậy doanh nghiệp có phải bồi thường thiệt hại không bởi trên thực tế có nhiều doanh nghiệp sẽ đổ thừa do Nhà nước cấp phép nhưng không đánh giá được sức chịu tải môi trường. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 để phát sinh trách nhiệm bồi thường thì phải có hành vi vi phạm pháp luật môi trường, như vậy việc xả thải đúng như giấy phép môi trường thì có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại không bởi ở đây không xác định được hành vi vi phạm.

Tiếp nối, PGS,TS. Hà Thị Thanh Bình đặt ra vấn đề kỹ thuật lập pháp tại khoản 2 Điều 133 Luật Bảo vệ môi trường 2020 đặt ra yêu cầu bên gây thiệt hại phải chứng minh mối quan hệ nhân quả là chưa phù hợp theo đó chủ thể này nên chứng minh không có mối quan hệ nhân quả xảy ra thì sẽ phù hợp hơn. Về giải quyết tranh chấp môi trường, nếu sự cố môi trường hoặc có một hành vi vi phạm xảy ra gây thiệt hại cho nhiều người, khi đó mỗi chủ thể khác nhau sẽ tự sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau được hay không; việc chọn trọng tài để giải quyết có khả thi không vì nếu giả sử chỉ có một số chủ thể thỏa thuận chọn trọng tài, thực tế để đạt được thỏa thuận lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết là vấn đề không hề đơn giản. Hơn nữa, một vụ việc tranh chấp môi trường có thể được giải quyết tại nhiều cơ quan được không, nếu được giải quyết tại nhiều cơ quan khác nhau với các vụ kiện khác nhau sẽ dẫn đến kết quả giải quyết tranh chấp sẽ khác nhau khi đó vấn đề sẽ được giải quyết như thế nào. Đồng thời, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình cũng cho rằng trách nhiệm về môi trường là dạng trách nhiệm nghiêm ngặt như vậy chỉ cần có hành vi trái pháp luật là phải bồi thường rồi mà không cần chứng minh các vấn đề khác. Tuy nhiên, pháp luật cần hoàn thiện thêm về vấn đề này để có thể áp dụng được trên thực tế. Về giới hạn thiệt hại, cần quy định mức giới hạn về bồi thường thiệt hại để đảm bảo tính khả thi vì nếu thiệt hại lớn quá dẫn đến không có khả năng bồi thường.

Bên cạnh đó, TS. Phạm Thị Hương Lan nêu lên vấn đề tại sao trong tranh chấp môi trường vấn đề tiếp cận công lý của những người bị thiệt hại khó khăn và các Tòa án thường muốn né tránh việc giải quyết tranh chấp môi trường. Thực tế, người dân khó tiếp cận công lý là do rào cản từ quy định pháp luật cả về nội dung lẫn thủ tục. Tại sao các nước khác như Mỹ, Nhật tòa án của họ giải quyết các tranh chấp về môi trường rất nhẹ nhàng nhưng đối với người dân và tòa án Việt Nam lại rất lạ lẫm. Về vấn đề thủ tục, bản thân TS. Lan không đồng ý với thủ tục thương lượng là thủ tục đầu tiên bắt buộc để được tiếp cận tòa án, trọng tài. Bởi nếu là thủ tục bắt buộc thì buộc phải có giấy tờ chứng minh, như vậy, trong trường hợp nếu doanh nghiệp không chịu thương lượng thì người dân làm gì để tiếp cận công lý, do đó tính hiệu quả không cao. Về vấn đề hòa giải, quá trình hòa giải cũng là một rào cản làm chậm quá trình giải quyết tranh chấp vì làm thủ tục dài hơn và mang tính hình thức. Từ các vấn đề trên có thể thấy rằng, chính bản thân các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 về đảm bảo quyền tiếp cận công lý của người dân đã bị thụt lùi so với quy định cũ. Về xác định mối quan hệ nhân quả để yêu cầu bồi thường thiệt hại, điều này cũng gây nhiều khó khăn cho người dân bởi mối quan hệ nhân quả thường không xảy ra ngay lập tức mà cần thời gian dài như vậy lấy đâu ra mối quan hệ nhận quả để người dân có thể khởi kiện ra tòa.

Phản biện lại quan điểm của TS. Phạm Thị Hương Lan, TS. Phạm Văn Võ cho rằng thủ tục thương lượng, hòa giải không gây cản trở quyền tiếp cận công lý của người dân mà đây là một điểm tiến bộ, giúp khả năng thắng của người dân sẽ cao hơn. Ngoài ra, TS. Phạm Văn Võ còn đặc biệt nhấn mạnh vấn đề hoán đổi nghĩa vụ chứng minh trong bồi thường thiệt hại sang cho bên gây thiệt hại thay vì bên bị thiệt hại phải chứng minh hoặc cho phép người dân khởi kiện tập thể thông qua cơ chế ủy quyền cũng là những điểm mới rất tiến bộ của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Về vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đồng tình với quan điểm của tác giả ThS.Trần Linh Huân, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có sự thay đổi căn bản và vượt bật trong quy định về chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng chuyển từ tư duy nhà nước chi trả sang cho các chủ thể phát sinh tự chi trả. Liên quan đến vấn đề đưa ra giải pháp xác định khối lượng và thể tích để làm căn cứ tính phí được hiệu quả thì có thể học hỏi theo kinh nghiệm của Nhật bằng cách phát các túi khác màu để đựng rác thải, việc xác định khối lượng và thể tích để tính phí dựa vào kích cỡ, màu sắc của các túi này. Việc này cần phải làm theo lộ trình chứ không thể bắt ép ngay lập tức. Trao đổi thêm, TS. Phạm Văn Võ cho rằng việc bắt người phát thải phải trả toàn bộ chi phí kể cả tiền mua túi để đựng rác thì sẽ dẫn đến tình trạng lợi bất cập hại, do quá tốn kém người dân sẽ trốn tránh trách nhiệm và cố tình đổ rác không đúng quy định. Liên quan đến vấn đề này, ThS. LS. Nguyễn Phúc Thủy Hiền cũng cung cấp thông tin thêm hiện nay Nhà nước đã tăng mức thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt dựa vào khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh. Thực tế thì đa phần người thu gom rác tự ước lượng rồi người phát thải sẽ chi trả cho người thu gom.

Về vận chuyển chất thải nguy hại, học viên tham dự hội thảo đặt vấn đề, việc Luật Bảo vệ môi trường 2020 cho phép chủ nguồn thải chất thải nguy hại được vận chuyển chất thải nguy hại, như vậy chủ nguồn thải chất thải nguy hại có bắt buộc phải có giấy phép xử lý chất thải nguy hại hay không, nếu có thì có giống với giấy phép của chủ thể kinh doanh dịch vụ quản lý chất thải nguy hại hay không. Phản hồi lại ý kiến này, ThS. Trần Linh Huân cho rằng đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại khi vận chuyển chất thải nguy hại thì không cần phải có giấy phép xử lý chất thải nguy hại bởi bản thân của chủ nguồn thải chất thải nguy hại đã có giấy phép môi trường theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020 nên trong trường hợp này họ chỉ cần có phương tiện, thiết bị phù hợp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định tai điểm a khoản 4 Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường 2020 là được.

Bên cạnh đó, đại biểu tham dự hội thảo cũng đặt câu hỏi về nội dung giấy phép môi trường được khẳng định là cắt giảm thủ tục hành chính và tiết kiệm chi phí hơn như thế nào. TS. Võ Trung Tín trao đổi khi áp dụng giấy phép môi trường sẽ tích hợp được nhiều loại giấy phép, giấy xác nhận có tính chất như giấy phép để thực hiện nghĩa vụ về bảo vệ môi trường như: giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi; giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; giấy phép xả khí thải công nghiệp. TS. Võ Trung Tín đánh giá đây là nội dung mới, chưa áp dụng nên tính toán trên cơ sở so sánh với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014 và cung cấp thêm số liệu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố: thời gian cấp giấy phép môi trường so với các thủ tục trước đây đã được cắt giảm tối thiểu là 20 ngày đến tối đa là 85 ngày. Với số lượng khoảng 690 giấy phép hằng năm, chi phí xã hội về thời gian đã giảm từ 13.800 ngày công tới 58.650 ngày công, tương đương với số tiền tiết giảm được từ 4,8 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng.

Phiên thứ hai của hội thảo diễn ra dưới sự điều hành của Chủ tọa đoàn gồm: PGS.TS Hà Thị Thanh Bình, TS. Phạm Văn Võ và TS. Võ Trung Tín. Nội dung của phiên thứ hai tập trung thảo luận về những vấn đề liên quan đến tín dụng xanh, ứng phó biển đổi khí hậu, thị trường Carbon.

Mở đầu phiên thứ hai, TS. GVC. Bùi Kim Hiếu trình bày tham luận “Áp dụng pháp luật về tín dụng xanh theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020”. Tác giả đã tập trung đi vào trình bày các vấn đề về tín dụng xanh theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản có liên quan, nêu và đánh giá một số thực trạng về chính sách tín dụng xanh ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác giả cũng đã đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện về vấn đề này. Một số giải pháp tác giả đề xuất gồm: (i) Sớm ban hành hướng dẫn về danh mục và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam; nhanh chóng xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường đến quy hoạch, chiến lược phát triển) của từng ngành, lĩnh vực đồng bộ; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng được hỗ trợ các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để có các khoản tín dụng có thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho ngành, lĩnh vực xanh; (ii) nghiên cứu xây dựng chính sách lãi suất phù hợp khi thực hiện cấp tín dụng xanh theo hướng ưu tiên hỗ trợ về lãi suất và các điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, cần có các quy định về phòng ngừa rủi ro trong các dự án cấp tín dụng xanh; (iii) cụ thể hóa chính sách “Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường” để tổ chức tín dụng được tham gia như một chủ thể cung ứng nguồn vốn tín dụng phục vụ cho phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam; (iv) tăng cường trao đổi hoặc tích hợp thông tin về xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực môi trường và xã hội với hệ thống thông tin tín dụng do ngân hàng nhà nước quản lý; (v) nghiên cứu bổ sung các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của khách hàng vay; (vi) doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, hướng tới công bố các báo cáo trách nhiệm xã hội. Các nhà quản trị doanh nghiệp cần tự nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội, môi trường, ý thức được vị trí, tầm quan trọng của việc cung cấp các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có lợi cho người tiêu dùng.

Tiếp đến, ThS.NCS. Nguyễn Lâm Trâm Anh, trình bày tham luận “Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 về ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tác giả đã tập trung trình bày các nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu của Luật Bảo vệ môi trường 2020 trong tương quan so sánh với Luật Bảo vệ môi trường 2014. Đặc biệt, tác giả đã khẳng định Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế về môi trường, biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường 2020 bổ sung quy định về Báo cáo quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trong đó có những nội dung cụ thể phù hợp với hướng dẫn thực hiện của Thỏa thuận Paris và quy định về thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu đã góp phần đảm bảo thực hiện khuôn khổ minh bạch cao hơn (transparency framework – ETF) của Thỏa thuận Paris, so với khuôn khổ minh bạch trong UNFCCC. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 với những quy định về kiểm kê khí nhà kính đã thể hiện rõ trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết trong UNFCCC và Nghị định Thư Kyoto. Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã nội luật hóa các cam kết về biến đổi khí hậu trong Nghị định thư Montreal, hiệp định CPTPP và EVFTA về bảo vệ tầng ô-dôn, chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải, mau phục hồi và nghĩa vụ tham vấn, chia sẻ thông tin.

Cuối cùng, tác giả Lê Nhật Hồng (thay mặt nhóm tác giả - cùng với Cao Hồng Quân) trình bày tham luận “Quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước theo luật bảo vệ môi trường 2020, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam”. Trong phần trình bày của mình tác giả đã tập trung khái quát một số vấn đề về thị trường carbon như lịch sử thị trường carbon, định nghĩa thị trường carbon, các loại thị trường carbon; cách thức vận hành thị trường carbon trên thế giới. Bên cạnh đó, tác giả cũng khẳng định Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có sự thay đổi trong quy định pháp luật, thể hiện bước đi mạnh mẽ hơn trong việc giảm thiểu hiệu ứng nhà kính bằng giải pháp carbon. Ngoài ra, tác giả còn đưa ra một số kiến nghị xây dựng khung pháp lý để phát triển thị trường carbon tại Việt Nam như cần có cơ chế cho phép Cục Biến đổi khí hậu có trách nhiệm quản lý sàn giao dịch tín chỉ carbon, lập báo cáo về tiến độ và đảm bảo việc vận hành đạt được các mục tiêu đề ra. Tiếp tục luật hóa các vấn đề về quản lý thị trường carbon, vận hành thị trường carbon, sàn giao dịch tín chỉ carbon, định giá carbon; cần thiết có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận với mô hình tiềm năng, cân bằng lợi ích và đảm bảo phát triển đồng đều trên mọi lĩnh vực; cần đưa ra những yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính từ các nguồn phát thải trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, quản lý chất thải. Xây dựng hệ thống kiểm tra, đo đạc, báo cáo về môi trường để đảm bảo vận hành thị trường carbon ổn định; cần thiết lập một hệ thống chuyên thực hiện chức năng đo đạc, báo cáo kết quả về thị trường để có những phân tích, đánh giá xác thực, đảm bảo không lạm dụng gây ô nhiễm trong nước và thiệt hại đến cuộc sống của nhân loại.

Kết thúc phần trình bày của các diễn giả, phiên thứ hai của hội thảo đi vào quá trình thảo luận. Mở đầu phiên thảo luận, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình đã đặt ra một số vấn đề cần trao đổi liên quan đến các đề tài tại phiên thứ hai đó là cơ quan nào sẽ quản lý hoạt động mua bán tín chỉ các bon, việc quản lý được thực hiện như thế nào. Ngoài ra, liên quan đến việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề liên quan đến thực hiện và quản lý hoạt động mua bán tín chỉ carbon, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm này từ quốc gia nào cho phù hợp. Liên quan đến vấn đề này, tác giả Lê Nhật Hồng đã trao đổi hiện nay Luật Bảo vệ môi trường 2020 chưa có sự quy định rõ ràng về vấn đề xác định chính xác chủ thể nào sẽ có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc quản lý thị trường mua bán tín chỉ carbon tại Việt Nam, cũng như cách thức thực hiện việc quản lý này. Về vấn đề học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, tác giả Hồng đề xuất có thể học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia Châu Âu bởi thực tế các quốc gia ở Châu Âu đã thực hiện rất tốt và hiệu quả về vấn đề này; tuy nhiên, do Việt Nam chủ yếu vận hành theo cơ chế CDM nhiều hơn nên chỉ nên học hỏi về cơ chế quản lý.

TS. Phạm Văn Võ đặt ra vấn đề trong thị trường carbon, hàng hóa trên thị trường này là gì, chủ thể tham gia giao dịch là ai. Thực tế thị trường carbon gồm 2 vấn đề: (i) Thị trường mua bán hạn ngạch xả thải và thị trường mua bán chứng chỉ giảm phát thải. Như vậy, thị trường mua bán carbon trong nước là bao gồm những hàng hóa nào. Bên cạnh đó, hạn ngạch xả thải và chứng chỉ giảm phát thải cho phép được bán theo cơ chế thị trường, vậy Nhà nước căn cứ vào đâu để cấp hạn ngạch phát thải. Thị trường carbon trong nước có thể bán hạn ngạch phát thải do nhà nước cấp hay quốc tế cấp. Liên quan đến tín dụng xanh, tín dụng xanh có được cấp cho tất cả các hoạt động bảo vệ môi trường hay không, điều kiện cấp là gì, chủ thể cấp là ai, để có vốn cấp tín dụng xanh thì nguồn vốn có thể được huy động từ đâu. Bên cạnh đó, cần phải có những giải pháp nào để thúc đẩy tín dụng xanh, các giải pháp đang được áp dụng hiện nay có khả thi không và có ảnh hưởng gì đến thị trường tài chính không. Trao đổi về vấn đề liên quan đến thị trường carbon, tác giả Lê Nhật Hồng cho rằng hàng hóa trên thị trường carbon là tín chỉ carbon, chủ thể tham gia vào thị trường carbon gồm có Nhà nước với tư cách là chủ thể quản lý và các doanh nghiệp với tư cách là chủ thể có nhu cầu mua bán tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, về vấn đề tín dụng xanh, TS. Bùi Kim Hiếu đã khẳng định để gia tăng năng lực cạnh tranh, các Ngân hàng thương mại hiện nay đã thực hiện kết hợp nhiều biện pháp khác nhau trong đó có biện pháp huy động vốn từ nhiều nguồn để thực hiện chính sách cấp tín dụng xanh. Về lãi suất tín dụng xanh cần nghiên cứu thêm về vấn đề này. Thực tế, về vấn đề tín dụng xanh, hiện nay các Ngân hàng vẫn chưa thật sự thực hiện hiệu quả do còn mới mẻ, thiếu vốn do đó cần có sự hỗ trợ thêm từ Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần chủ động xây dựng chiến lược ngân hàng xanh, xây dựng các chính sách về thuế, phí, lãi suất… để hỗ trợ các ngân hàng thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng xanh.

Theo TS. Võ Trung Tín cần học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trong vấn đề cấp tín dụng xanh. Về ứng phó biến đổi khí hậu cần tách bạch giữa bảo vệ tầng ô - dôn và hiện tượng hiệu ứng nhà kính sẽ phù hợp hơn thay vì cách thức quy định như hiện nay. Về mua bán tín chỉ carbon, các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 chỉ mới dừng lại ở việc quy định mang tính nguyên tắc do đó để có thể thực thi áp dụng được thì cần phải có sự hướng dẫn cụ thể thêm về vấn đề này.

Sau cùng PGS.TS. Nguyễn Văn Vân trao đổi tín dụng xanh là vấn đề rất hay và thời thượng. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang thiếu cơ chế thực thi, việc tái cấp vốn của Ngân hàng dành cho môi trường còn rất hạn chế. Do đó, tín dụng xanh chưa được thực hiện một cách hiệu quả và triệt để tại Việt Nam mà chủ yếu dừng lại về mặt hình thức, xây dựng hình ảnh.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình thay mặt Ban tổ chức trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết và cũng như chất lượng các ý kiến phát biểu, thảo luận của các diễn giả, khách mời tại Hội thảo. Trên tinh thần đó, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình tuyên bố bế mạc Hội thảo.

Hội thảo kết thúc vào lúc 11h30 cùng ngày./.

 

Biên tập: Ths. Trần Linh Huân

 

 

 

 

 

--%>
Top