TỔNG THUẬT HỘI THẢO KHOA HỌC
“ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ ĐẦU TƯ VÀ TÀI CHÍNH CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TƯ THỤC”
TRONG KHUÔN KHỔ ĐỀ TÀI KHCN CẤP BỘ
DO PGS. TS. NGUYỄN VĂN VÂN CHỦ NHIỆM
Mã số: B 2021-LPS-02
---------------------------
Sáng ngày 12/04/2023, Khoa Luật thương mại - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (đơn vị chủ trì) và nhóm nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ mã số B 2021-LPS-02 (do PGS. TS. Nguyễn Văn Vân là chủ nhiệm), tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về đầu tư và tài chính của cơ sở giáo dục đại học tư thục”.
MỤC ĐÍCH CỦA HỘI THẢO:
- Nhóm nghiên cứu công bố một số kết quả nghiêncứu sơ bộ (dưới dạng các tham luận) để các chuyên gia đánh giá và phản biện;
- Các chuyên gia, nhà nghiên cứu ngoài nhóm nghiên cứu chia sẻ cùng nhóm nghiên cứu một số kết quả nghiên cứu của họ có liên quan chủ đề hội thảo.
Trên cơ sở các nhận xét, phản biện của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhóm nghiên cứu tiếp thu và hoàn thiện các các báo cáo để trình hội đồng nghiệm thu.
KẾT QUẢ HỘI THẢO
-Toàn bộ 11 bài tham luận được Ban chuyên môn thẩm định, lựa chọn đưa vào Kỷ yếu Hội thảo. Có 06 tham luận được chọn báo cáo tại Hội thảo. Toàn bộ các tham luận có nội dung xuyên suốt và bao quát toàn bộ chủ đề hội thảo, từ góc độ lý luận đến các vấn đề pháp lý cụ thể về hoạt động đầu tư, tài chính của các cơ sở giáo dục đại học tư thục (CSGDĐHTT).
- Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia (ngoài nhóm NC) đã trình bày các đ8ánh giá, nhận xét, bổ sung các quan điểm khoa học, khái quát các bất cập phát sinh từ thực tiễn áp dụng pháp luật trong quản trị, điều hành các CSGDĐHTT, đặc biệt là ý kiến của PGS TS Bùi Xuân Hải (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật HCM, ThS. Hồ Sỹ Anh, Viện Nghiên cứu Giáo dục Tp HCM ; PGS.TS. Bành Quốc Tuấn – Giám đốc chương trình đào tạo Thạc sĩ Luật, Viện Đào tạo sau Đại học Trường Đại học Thủ Dầu Một; Bà Lê Thị Lệ Nga – Phòng Tổ chức cán bộ - Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Xuân Bang – Phó Trưởng khoa Luật, Đại học Hutech; ThS. Trịnh Thị Ngọc Thuỷ - Kế toán trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông….
- Hội thảo tiến hành trong không khí tự do học thuật. Các ý kiến, bình luận, nhận định của các diễn giả và các đồng nghiệp, chuyên gia được trình bày với tinh thần cởi mở thẳng thắn cùng các luận điểm khoa học cụ thể rõ ràng.
-Mặc dù còn nhiều khác biệt trong cách nhìn nhận các vấn đề cụ thể, tuy vậy, Hội thảo thảo luận và thống nhất 3 nhóm nội dung sau:
Nội dung thứ nhất: các luận cứ khoa học để hoàn thiện pháp luật về đầu tư và hoạt động tài chính của CSGDĐHTT , bao gồm: Các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục; Mục tiêu, nguyên lý và triết lý giáo dục; Các nguyên tắc hiến định về giáo dục và đào tạo; Yêu cầu nhân lực cho nền kinh tế tri thức, bối cảnh cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong đó, ba nội dung cơ bản ảnh hưởng trực tiếp và làm cơ sở lý luận để hoàn thiện cơ chế pháp lý về tài chính, đầu tư CSGDĐDTT, bao gồm: (i) Chính sách xã hội hóa giáo dục; (ii) Nguyên tắc đầu tư giáo dục là đầu tư phát triển và (iii) Nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và CSGDĐHTT.
Các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất rằng, chỉ khi hiểu đúng bản chất kinh tế- xã hội của CSGDĐHTT thì mới có thể định vị đúng địa vị pháp lý của của CSGDĐHTT. Các ý kiến tại Hội thảo cũng chia sẻ và thống nhất các điểm khác biệt cơ bản trong chế độ pháp lý về hoạt động đầu tư, tài chính của CSGDĐH tư thục và của CSGDĐH tư thục không vì lợi nhuận và giữa CSGDĐHTT với doanh nghiệp thương mại. Những khác biệt đó được chứng minh bằng các căn cứ khoa học và thực tiễn, trong đó có các lý thuyết kinh tế như “Nguyên tắc ràng buộc không phân chia” và “Giá trị các bên liên quan”. Các luận cứ khoa học này thực sự thuyết phục, làm cơ sở lý luận để hoàn thiện khung pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư thành lập trường và chế độ tài chính các CSGDĐHTT.
Nội dung thứ hai: Đánh giá và kết luận về thực trạng pháp luật đầu tư thành lập các CSGDĐHTT. Các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đều thống nhất rằng không thể có một khung pháp luật về điều kiện đầu tư thành lập trường, quy trình, thủ tục góp vốn, phương thức đầu tư thành lập CSGDĐH để áp dụng chung cho tất cả các loại hình CSGDĐH mà không tính đến các đặc thù về xuất xứ và tính chất nguồn vốn đầu tư (nhà nước, tư nhân, đầu tư từ nước ngoài) và mục tiêu của nhà đầu tư (lợi nhuận hay phi lợi nhuận). Ngoài ra cũng không thể cào bằng địa vị pháp lý của nhà đầu tư thành lập CSGDĐHTT và nhà đầu tư thành lập CSGDĐHTT không vì lợi nhuận. Những giải pháp về điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài thành lập CSGDĐHTT, đa dạng hóa hình thức đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đại học do các thành viên nhóm nghiên cứu đề xuất được đánh giá cao.
Nội dung thứ ba: Đánh giá và kết luận về thực trạng pháp luận điều chỉnh hoạt động tài chính của CSGDĐHTT, cụ thể: Đánh giá các quy định pháp luật về hoạt động thu và hoạt động chi, trích lập các quỹ, tái đầu tư và phân chia lợi nhuận cho nhà đầu tư CSGDĐHTT. Các diễn giả nhấn mạnh về quy chế pháp lý các nguồn thu tự học phí, từ cách dịch vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, các khoản thu do cung cấp dịch vụ cho Nhà nước và thu từ hoạt động kinh doanh khác. Các tác giả tham luận trình bày kết quả phân tích đánh giá chế độ ưu đãi cho các CSGDĐHTT theo pháp luật hiện hành, gồm: (i) Quy định pháp luật về ưu đãi thuế, phí, lệ phí đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục; (ii) Quy định pháp luật về ưu đãi đất đai đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục; (iii) Quy định pháp luật về ưu đãi tín dụng đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục. Các đề xuất về về mô hình doanh nghiệp trực thuộc trường đại học: điều kiện thành lập, hoạt động, chế độ tài chính và các ưu đãi dành cho loại hình doanh nghiệp này cũng nhận sự quan tâm và thảo luận tại hội thảo.