CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA LUẬT THƯƠNG MẠI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN

KHOA LUẬT THƯƠNG MẠI

ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

I - SỨ MỆNH – TẦM NHÌN – GIÁ TRỊ CỐT LÕI – TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA KHOA LUẬT THƯƠNG MẠI

1 - Sứ mệnh

Sứ mệnh của Khoa Luật Thương mại nằm trong sứ mệnh chung cùa nhà trường là góp phần thực hiện nhiệm vụ đào tạo đa ngành trong đó trọng tâm là đào tạo ngành Luật.

Nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực pháp lý cho xã hội với những nội dung chuyên sâu về lĩnh vực kinh doanh thương mại, tài chính, ngân hàng, đất đai và môi trường, các môn học của Khoa luôn được thiết kế nhằm mục đích không chỉ trang bị cho sinh viên kiến thức pháp lý từ nền tảng đến chuyên sâu mà còn giúp sinh viên có được những kỹ năng cần thiết cho việc hành nghề luật trong tương lai như kỹ năng nghiên cứu pháp luật, phản biện, tranh biện, phân tích vụ việc, tham gia tư vấn và giải quyết các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại nói riêng và những lĩnh vực pháp lý khác nói chung.

2 - Tầm nhìn

Định hướng đào tạo của Khoa Luật Thương mại sẽ gắn liền với tầm nhìn phát triển của nhà trường theo định hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Theo đó, Khoa Luật Thương mại là Khoa đóng vai trò nòng cốt, chủ chốt trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu pháp luật về kinh doanh, thương mại.

3 - Giá trị cốt lõi

-         Đảm bảo chất lượng đào tạo;

-         Tăng cường phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; và

-         Phát triển ý thức phục vụ cộng đồng

4 - Triết lý giáo dục

Triết lý giáo dục Khoa Luật Thương mại - Trường Đại học Luật TP.HCM là: “Làm chủ tri thức - phát huy năng lực - chủ động hội nhập”.

-         Làm chủ tri thức: hướng đến trang bị cho người học khả năng học tập suốt đời, học để tự học, tự nghiên cứu và tích luỹ kinh nghiệm, làm cơ sở để giải quyết vấn đề và đưa ra     quyết định phù hợp trong hoạt động nghề nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực pháp luật luật thương mại như: pháp luật doanh nghiệp, đầu tư, cạnh tranh; pháp luật về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; pháp luật về đất đai, môi trường.

-         Phát huy năng lực: chú trọng trang bị cho người học những kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực pháp luật kinh doanh, thương mại thông qua các giờ học lý thuyết (được thực hiện bằng hoạt động thuyết trình, tranh biện…), giờ thực hành (thảo luận, làm việc nhóm, làm tiểu luận…) và các hoạt động ngoại khóa (tham dự tòa án, tổ chức seminar, tham gia hội thảo…) nhằm tối ưu hóa năng lực của người học. Sau quá trình được rèn luyện tại Trường, người học nắm vững các kỹ năng và có khả năng tiếp cận nhiều cơ hội nghề nghiệp ở các cơ quan nhà nước như thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ, công chức tại các cơ quan nhà nước hoặc các nghề nghiệp ở các tổ chức tư nhân như luật sư, chuyên viên pháp chế, thừa phát lại, công chứng viên, trọng tài viên... Qua đó, người học có thể tự tin, phát huy năng lực của mình trong quá trình làm việc sau khi tốt nghiệp.

-         Chủ động hội nhập: trang bị cho người học khả năng xây dựng, phát triển và duy trì các mối quan hệ đa phương, tích cực và lâu dài. Năng lực này giúp người học có khả năng chủ động tăng cường kết nối vững chắc với các đối tác trong và ngoài nước, mở rộng tri thức và hiểu biết, nâng cao năng lực cạnh tranh cho bản thân và tổ chức của mình.

II - MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC ĐẾN NĂM 2030

1 - Mục tiêu tổng quát

Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh là một trường trọng điểm trong đào tạo pháp luật của cả nước. Khoa Luật Thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh. Khoa Luật Thương mại luôn cố gắng hoàn thiện và phát triển cả về đội ngũ lẫn chuyên môn nhằm cung cấp nguồn lực có trình độ từ cử nhân đến sau đại học trong lĩnh vực pháp luật thương mại cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, nhằm phục vụ cho quá trình phát triển và hội nhập của đất nước.

2 - Mục tiêu cụ thể

a) Về xây dựng đội ngũ giảng viên

-         Để phục vụ cho việc tăng chỉ tiêu đào tạo ngành Luật và xây dựng Khoa phát triển trong sự phát triển chung của Trường, Khoa sẽ tiếp tục tuyển thêm các giảng viên mới đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng giảng dạy và nghiên cứu khoa học, có khả năng sử dụng ngoại ngữ học thuật (đặc biệt là tiếng Anh), chủ động áp dụng sáng tạo các phương pháp giáo dục tích cực, yêu nghề, có tinh thần học hỏi, không ngừng phát triển bản thân.

-         Chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn và học vị của các giảng viên trong Khoa. Khoa sẽ cử các giảng viên theo học chương trình tiến sĩ trong và ngoài nước để nâng cao hơn nữa số lượng tiến sĩ trong Khoa. Bên cạnh đó, Khoa Luật Thương mại luôn tạo điều kiện cho các thầy, cô tiến sĩ tham gia các công trình nghiên cứu khoa học, viết các bài viết nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước để đạt chuẩn Phó Giáo sư, Giáo sư và trở thành những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực pháp luật thương mại.

-         Đội ngũ giảng viên của Khoa tiếp tục trau dồi, rèn luyện cả chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức để vừa là người Thầy, người Cô mẫu mực, tâm huyết và tận tụy trên giảng đường, vừa hoàn thành tốt công tác nghiên cứu khoa học. Xây dựng đội ngũ giảng viên thân thiện, năng động, nhiệt tình nhằm gia tăng mối quan hệ gắn kết giữa giảng viên và người học.

b) Về công tác đào tạo

-         Tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học do Khoa phụ trách, góp phần đào tạo nên những nhân lực có chất lượng chuyên môn tốt, năng động, sáng tạo, được nhà tuyển dụng đánh giá cao, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

-         Tiếp tục hoàn thiện nội dung và phương pháp giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh cho các chương trình đào tạo chất lượng cao do Khoa phụ trách như: Law on Business Organizations, Commercial Law, Alternative Dispute Resolution; Banking Law; Environmental Law; Contract Law; Investment Law; Securities Law…, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng của các cử nhân chất lượng cao, được các đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng nắm bắt các vấn đề thực tiễn, sự năng động và khả năng ngoại ngữ tốt.

-         Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, cập nhật giáo trình, tập bài giảng và các học liệu khác cho phù hợp với quy định pháp luật mới và các lý luận khoa học pháp lý mới. Ngoài những học liệu truyền thống, Khoa Luật Thương mại tiếp tục đầu tư biên soạn và công bố đầy đủ các tài liệu trực tuyến trên trang e-learning của nhà trường, phục vụ có hiệu quả cho công tác dạy và học trực tuyến, đảm bảo hiệu quả chất lượng đào tạo trong tiến trình hội nhập giáo dục trong thời đại công nghệ 4.0.

c) Về phương pháp giảng dạy

-         Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng sinh viên, xây dựng bài giảng hiện đại, tích cực, lấy người học làm trung tâm, từ đó thu hút sinh viên hào hứng với những buổi học sinh động, hấp dẫn, mang tính thực tiễn cao.

-         Chú trọng hơn nữa việc trang bị cho người học những kỹ năng cần thiết cho việc hành nghề luật trong tương lai như kỹ năng nghiên cứu pháp luật, phản biện, tranh biện, phân tích vụ việc…

d) Về nghiên cứu khoa học

-         Tiếp tục đề ra chỉ tiêu để các giảng viên chủ động, tích cực thực hiện việc công bố kết quả nghiên cứu, chú trọng các công bố quốc tế.

-         Tiếp tục và thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo trên cơ sở kết hợp với các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các chuyên gia, các cơ sở nghiên cứu khoa học pháp lý, các cơ sở giáo dục khác trong và ngoài nước nhằm tạo môi trường cho giảng viên tiếp cận đến những vấn đề thực tiễn cũng như nắm bắt được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để điều chỉnh nội dung bài giảng cho phù hợp với thực tiễn. Các hội thảo do Khoa tổ chức cũng giúp sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh có cơ hội công bố kết quả các công trình nghiên cứu của mình.

-         Khuyến khích các giảng viên tham gia thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học, đặc biệt các đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước, đồng thời tăng cường viết sách chuyên khảo thuộc lĩnh vực chuyên môn do Khoa phụ trách.

-        Chủ động tìm kiếm đối tác, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế, tìm kiếm các dự án nghiên cứu để giảng viên có cơ hội nâng cao năng lực nghiên cứu, thúc đẩy công bố khoa học và hợp tác nghiên cứu quốc tế.

Tải về Chiến lược phát triển tại đây.

 

--%>
Top